Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2014

Đặc sắc lễ hội làng Phương Viên - Hoài Đức - Hà Nội

"Mười hai âm lịch tháng hai, nhớ về lễ hội Vạn Chài - Song Phương" câu ca dao đó đã ăn sâu vào tâm thức không chỉ mỗi người dân làng Phương Viên, mà còn được rất nhiều du khách thập phương gần xa biết đến bởi sự độc đáo của lễ hội dân gian mà nơi đây còn gìn giữ được...
  
  Phương Viên là một ngôi làng có truyền thống hiếu học và có bề dày lịch sử cách mạng hào hùng với nhiều  tấm gương trung kiên với Đảng với Tổ Quốc qua các cuộc cách mạng. Người dân Phương Viên chất phác, hiền hòa, sống gắn bó với quê hương xóm làng. Những Phẩm chất đó đã được hình thành và xây dựng qua bao thế hệ và tạo nên những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Uỷ Ban Mặt Trận Tổ Quốc xã Song Phương
Qua bao thăng trầm của lịch sử, những nét đẹp văn hóa ấy của người dân Phương Viên vẫn còn được gìn giữ qua bao thế hệ mà trong đó có lễ hội truyền thống của làng.

 "Mười hai âm lịch tháng hai, nhớ về lễ hội Vạn Chài - Song Phương" câu ca dao đó đã ăn sâu vào tâm thức không chỉ mỗi người dân làng Phương Viên, mà còn được rất nhiều du khách thập phương gần xa biết đến bởi sự độc đáo của lễ hội dân gian mà nơi đây còn gìn giữ được.
Ông Đỗ Văn Toàn - Phó chủ tịch xã, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đánh trông khai mạc.
Theo nhất niên, nhất lệ cứ đến ngày 12 tháng 2 âm lịch là dân làng Phương Viên lại tưng bừng mở hội truyền thống và 5 năm tổ chức hội lớn nhằm tưởng nhớ đến công lao hộ quốc an dân của thành hoàng làng là vị Thôi Tốc Đại Vương - một vị tướng cuối thời Hùng Vương (TK II TCN). Hội làng Phương Viên được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 12 đến ngày 14 âm lịch với rất nhiều thể loại độc đáo như: cờ người, đánh vật, hát quan họ, ngâm thơ, bịt mắt bắt dê, đập liêu, đi cầu khỉ, bắt vịt dưới ao đình, đu tre...vvv 
       Ngày 12 là ngày chính hội, 7h sáng, ban tổ tức khai mạc lễ hội và các trò chơi với sự có mặt đông đảo của lãnh đạo chính quyền, các cụ cao niên hai giới, các ban ngành đoàn thể, 12 cửa họ trong làng cùng chư khách thập phương về dự đông đảo.

Các cụ bô lão trong làng dự khai mạc lễ hội
Đầu giờ chiều, khuôn viên lễ hội trở lên đông hơn rất nhiều. Mọi người đổ xô về phía sân đình Phương Viên đón chờ thời khắc rước thánh. Lúc này sân đình trở nên nhộn nhịp và đông vui nào nhiệt vô cùng. Các Đô là những nam thanh nữ tú trong làng tề tựu đông đủ với những bộ áo khố đỏ diện thánh hành lễ. Sau tiếng trống lệnh của Quan Viên, lần lượt các kiệu bắt đầu được bổng lên trên vai các Đô. Đầu tiên là kiệu Hương Án, kế tiếp là kiệu Long Đình, kiệu Bát Cống và Kiệu Cả..hai bên là bộ bát bửu và tán lọng, cờ phướn...Có một điều kỳ lạ mà rất nhiều du khách khi về đây dự hội đều ngạc nhiên là khi kiệu được bổng lên vai các Đô đều trở lên nhẹ nhõm hơn và bay rất nhanh. Có khi kiệu đang bay bỗng nhiên dừng lại và quay tít rồi lại lao về phía trước. Có khi kiệu bay từ dưới chân Đê lên mặt đê trong điều kiện trơn ướt mà không hề hấn gì. 


       Kiệu sẽ được rước từ đình vào khu Quán nằm trong chợ Vạng nơi thờ 3 vị nữ tướng thời Hai Bà Trưng là ả Tú, ả Huyền, ả Lã Nàng Đê. Sau đó kiệu ngự ở Quán, cụ chủ tế và các quan viên làm nghi lễ tế và tổ chức đánh vật thờ ngài.
Vật thờ 
       Sau khi các nghi lễ tế được hoàn tất, kiệu bắt đầu được rước hồi giá về khu đình nhưng chưa yên vị mà bay lên thẳng chùa Thượng (chùa Thích Ca) xoay tít rồi lao xuống cổng chùa và rước về phía chùa Giữa
(chùa Phượng Tiên). Sau đó kiệu bay dọc theo chiều dài của làng trên con Đê Sông Đáy.

       Cuối cùng khi ngả chiều tối, kiệu được rước về yên vị tại đình. Các đồng niên tuổi 49 phải rất vất vả mới có thể đưa kiệu vào trong đình yên vị được.
Sau khi kiệu được yên vị, các trò chơi lúc này đang diễn ra rất nhộn nhịp, sôi nổi. Trong số đó phải kể đến Vật dân tộc. Sới vật làng Phương Viên đã trở lên quá quen thuộc đối với các tay vật chuyên nghiệp. Mỗi năm BTC lễ hội đều mở giải lớn do vậy sự thu hút các tay vật từ mọi nơi về đây đùa tài là rất nhiều.
     anh Đỗ văn Thịnh - thanh niên của làng dành giải nhì của ban tổ chức
Giải Nhất Vật dân tộc - hội làng Phươngng Viên
Cờ người cũng là một trò chơi của ban tổ chức được rất nhiều người chú ý đến, toàn bộ 32 quân cờ được chọn đều là những nam thanh, nữ tú có khuôn mặt khôi ngô và xinh đẹp trong làng. Tham dự giải là những tay cờ chuyên nghiệp trong làng và ngoài địa phương từ các nơi tìm về đùa tài tranh giải lớn của ban tổ chức.
Cầu lông cũng là một trò chơi được ban tổ chức đưa vào nhằm mục đích nâng cao sức khỏe cho các cụ cao tuổi, đồng thời cũng là dịp để thể hiện trình độ và lòng yêu thể thao của các tay vợt. Và cũng có rất nhiều tay vợt từ nhiều nơi tìm về phá giải.


Có thể nói, với ba ngày hội duy nhất hội làng Phương Viên đã trở thành tâm điểm cho du khách thập phương gần xa đến dự và tham gia vào các trò chơi ý nghĩa, nhân văn. Lễ hội làng Phương Viên được coi là nơi hội tụ những anh tài trong các thể loại trò chơi mà ban tổ chức đưa ra phá giải. Tạo điều kiện cho các thế hệ trong làng có dịp giao lưu học hỏi và rèn luyện sức khỏe để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội cho gia đình và quê hương, ấm no, hạnh phúc theo con đường của Đảng sáng soi.
SONG PHƯƠNG QUÊ HƯƠNG TÔI
Quê tôi có một triền đê,
Nằm ven sông Đáy bao nghề xưa nay.
Ruộng đồng thẳng cánh cò bay,
Vi vu sáo thổi ngày ngày chiều sang.

Quê tôi mười xóm một Làng,
Anh em hòa thuận, giỏi giang học hành.
Cháu con thành đạt, thành danh,
Cũng là Tổ họ để dành hậu sinh.

Quê tôi có quán có đình,
Quán thì gần chợ, đình thì gần đê.
Là nơi tụ họp trăm nghề,
hai, bốn, bảy, chín lại về chợ phiên.

Quê tôi có cả chùa chiền,
Chùa trên "chùa thượng" cạnh liền Tam quan.
Phượng Tiên chùa ở giữa làng,
Cạnh nhà văn hóa khang trang tuyệt vời.

Yêu Quê tôi có đôi lời,
Kể cho bạn biết Quê tôi thế nào.
Hết thơ tôi cũng xin chào,
Có dịp bạn đến nhớ vào Song Phương!
                                                               Tác giả: Thanh Germany (3/4/2014)
Thanh Germany cảm ơn bạn đã đọc bài

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

SONG PHƯƠNG QUÊ HƯƠNG TÔI

       Xã Song Phương - huyện Hoài Đức - TP Hà Nội gồm hai làng cổ được hình thành từ lâu đời. Thời xưa, thôn Phương Bảng có tên gọi là làng Ngòi, thôn Phương Viên có tên gọi là làng Vạng nằm bên tả ngạn sông Đáy gần kinh thành Thăng Long, trong vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng.
Đình Phương Viên
       Song Phương nằm ở phía nam huyện Hoài Đức, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 12km, phía tây bắc giáp xã Tiền Yên - Sơn Đồng, phía đông nam giáp xã Lại Yên, An Khánh, An Thượng, Vân Côn. Xã có đường Đại Lộ Thăng Long chạy qua, có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu quê hương đất nước.
                                                               Khu vực nhà Bia
       Xã Song Phương có diện tích đất tự nhiên 553,17 ha, dân số trên 12.400 nhân khẩu. Toàn xã có 6 thôn gồm 4 khu vực dân cư, là một ngôi làng có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Các thế hệ nhân dân Song Phương nối tiếp nhau khai phá, cải tạo đất đai lập lên những xóm làng trù phú, đồng ruộng phì nhiêu, tạo ra truyền thống văn hóa của một xã ven sông.
     
                      Lãnh đạo Đảng, chính quyền, UBND, MTTQ viếng các anh hùng liệt sĩ
      Căn cứ vào các văn bia còn ghi lại tại địa phương có từ thời Lê là xã Hương Bảng thuộc huyện Đan Phương, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến thời Nguyễn, Hương Bảng thuộc tổng Đắc Sở, huyện Đan Phượng. Thời Pháp thuộc, xã Hương Bảng gồm hai thôn: Phương Bảng và Phương Viên.

     
                                               Khu nhà Đại Bái - Xây dựng thế kỷ XVI
        Là xã có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, trong làng có nhiều dòng họ sống quần cư lâu đời, tạo cho các xóm làng Phương Bảng, Phương Viên những nét văn hóa phong phú của vùng quê với nhiều truyền thống vẻ vang - Làng Hương Bảng xưa kia và Song Phương ngày nay có nhiều di tích lịch sử văn hóa, có những công trình kiến trúc đạt trình độ cao về nghệ thuật. Hình ảnh những đình, quán, chùa cổ kính đã khắc sâu vào tâm khảm những người dân nơi đây, là nơi gắn bó sâu nặng với tổ tiên làng xóm của các thế hệ. Bên cạnh đó, đình chùa còn là nơi gìn giữ những truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương, giáo dục lòng nhân nghĩa, khuyến thiện, trừng ác, cho con người hướng về cuộc sống yên lành. ấm no, tự do, hạnh phúc.
   
   
                                                    Tam quan của làng - Thế kỷ XVI
       Phương Viên là một làng cổ hình thành từ rất lâu, khi nhà Lý rời đô ra thành Đại La và cho đắp đê ngăn lũ. Dân làng Phương Viên đã chuyển về ven đê định cư, có dấu tích cây thị ở Chùa Giữa, 5 cây đa ở sân đình, 2 cây chung gốc là cọ và si ở Quán. cây đa cây cọ ở chùa Thượng. Làng Phương Viên phía Đông giáp An Khánh, Lại Yên, phía Tây giáp xã Vân Côn, sông Đáy, phía Nam giáp An Thượng, phía Bắc giáp Tiền Yên, Sơn Đồng. Làng có 12 cửa họ theo khu vực: xóm Nhất, xóm Giữa, xóm Lý, xóm Đồng, xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Ải, xóm Đình. Các dòng họ gồm có: họ Nguyễn gồm có Nguyễn Chí, Nguyễn Đắc, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, Nguyễn Bá, Nguyễn Công, Nguyễn Tiến, Nguyễn Tá, Nguyễn Khắc, Nguyễn Long, Nguyễn Quang, Nguyễn Viết. Họ Lê, họ Trần, họ Đỗ, họ Lưu, họ Cao, họ Phạm, họ Trịnh, họ Dương, họ Hoàng, họ Doãn, họ Vũ.
        Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng Phương Viên ngày nay vẫn còn gìn giữ được những giá trị của cha ông để lại, trong đó có ba hạng mục kiến trúc nổi bật gồm: Đình Phương Viên, Chùa Phượng Tiên và Chùa Thích Ca.
       Đình Phương Viên được xây dựng ở phía Tây của làng, đình được xây dựng ở cạnh khu chợ. Đây là một địa điểm lý tưởng của người xưa vốn quan niệm "nhất cận thị, nhị cận lộ", rất thuận tiện cho người hành hương, tham quan, nghiên cứu. Gần một trung tâm giao lưu kinh tế của vùng đất bãi. đình Phương Viên được nhiều người biết đến.
                                                            Một góc đình Phương Viên
       Theo các tư liệu cổ còn lưu tại di tích và truyền thuyết của nhân dân dịa phương thì đình Phương Viên thờ thành hoàng làng là vị Thôi Tốc Đại Vương. Cùng với quan niệm cổ truyền "đình chung, quản sở" thì nơi đây còn thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng, đó là các vị: ả Lã Nàng Đê, ả Tú, ả Huyền.
                                       Đoàn viên thanh niên tìm hiểu về lịch sử quê hương
       Về sự tích của vị Thôi Tốc Đại Vương, các cụ già trong làng cho biết: đây là một nhân vật lịch sử xuất hiện từ thời thượng cổ, được dân làng thờ theo quan điểm tín ngưỡng là người có công với dân với nước. Vị thần này xuất hiện vào cuối thời Hùng Vương thế kỷ thứ II trước công nguyên. Ông là người đã có công đánh giặc cứu nước, khi mất được dân làng Phương Viên tôn thờ.
                                                     Lễ hội truyền thống làng Phương Viên
                                                       
                                                              Mười hai âm lịch tháng hai,
                                                      Nhớ về lễ hội Vạn Chài Song Phương.
        Hàng năm, cứ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch để tỏ lòng tôn kính vị thần thành hoàng làng và các vị có công với nước, với dân, đồng thời phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, phản ánh những tinh hoa văn hóa phong phú của làng. Lễ hội được tổ chức nghiêm trang mang ý nghĩa trọng thể thiết thực, với tinh thần lành mạnh, vui chơi, tiết kiệm; thực hiện đúng quy chế lễ hội của Bộ Văn Hóa - Thông Tin, 5 năm tổ chức trọng thể một lần với đầy đủ nghi thức. Đình Phương Viên được Nhà Nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia năm 1997.
                                                    Tam Bảo - Chùa Phượng Tiên
       Chùa Phượng Tiên còn có tên gọi là Chùa Giữa theo các văn bia ghi lại, chùa có từ thời Hậu Lê. Trước đây chùa nhìn về hướng Tây, ngày nay chùa nhìn về hướng Nam trông ra ao, giữa ao có một cái gò. Chùa có hai giếng, giếng trước nằm ở trước gò ao, giếng sau nằm ở trước nhà Đại Bái hay còn gọi là giếng Lý. Cả hai giếng đều được người dân rất coi trọng và được gọi là Gương.
                                                     Khuôn viên chùa Phượng Tiên
       Trong chùa có cây thị cổ thụ hơn nghìn năm tuổi. Chùa còn có quả chuông đời Cảnh Thịnh. Bên cạnh chùa có ngôi đền 3 gian bị địch đốt năm 1947, chỉ còn nhà Đại Bái trông ra trước giếng Lý. Năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ chùa được quân đội sử dụng để máy móc làm lương khô và đánh máy phục vụ kháng chiến.
           Sư cụ trụ trì chùa Phượng Tiên đang giới thiệu về cây thị cổ hơn ngàn năm tuổi
       Chùa Thích Ca còn có tên nôm là chùa Thượng, chùa được xây dựng từ rất lâu đời để thờ Phật theo phái tiểu thừa. Về sau, khoảng thời Hậu Lê - thế kỷ XVI mà hiện diện là gác chuông hai tầng tám mái còn giữ được cho đến ngày nay, thì quy mô ngôi chùa đã lớn hơn. Đó cũng là lúc Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh ở Việt Nam. Dân làng Phương Viên đã bài trí trong ngôi chùa "Thích Ca Tự" của mình nhiều lớp tượng. Đến thế kỷ XVIII, chùa được đúc một số tượng đồng, chuông đồng với niên hiệu Cảnh Thịnh ngũ niên - di vật quý hiếm của văn hóa Tây Sơn còn được bảo lưu nguyên vẹn ở đây.
                                                Gác chuông chùa Thích Ca Tự -thế kỷ XVI
       Vào chùa, qua hệ thống sân lát gạch là tới chùa chính. Sau vụ tàn phá khốc liệt năm 1947 của giặc Pháp, chùa đã được dân làng đứng ra tu bổ lại. Gác chuông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết với hệ thống 4 cột cái, 12 cột quân còn đủ 8 đầu đao cong vút, trên các mái lợp ngói ri cổ.
       Lên gác chuông, trên hệ thống câu đầu nối các cột cái với nhau là hệ thống chồng rường. Trên các con rường thứ nhất của câu đầu có một thanh xà bằng gỗ lim nối từ vì nóc bên này sang vì nóc bên kia để cheo chuông.
       Một di vật quý hiếm là quả chuông đồng cao 1,20m cả cù lao có đường kính 0,61m; 4 núm, 4 chữ Hán đúc nổi: "Thích Ca Tự Chung", chuông chùa thích ca, với niên đại: "Hoàng Triều Cảnh Thịnh vạn vạn niên chi ngũ tuế đinh tỵ thập nhị cát nhật". Đây là một quả chuông được đúc vào năm Cảnh Thịnh ngũ niên tức năm 1797. Di vật văn hóa Tây Sơn này được bảo lưu nguyên vẹn. Chiều chiều tiếng chuông thánh thót vang ngân làm tăng thêm vẻ đẹp huyền bí và thanh bình của chùa Thích Ca và miền quê Phương Viên ở miền Sông Đáy.
       Năm 2006 chùa được Bộ văn hóa - thông tin cho phép tu sửa đến tháng 3 năm 2008 thì hoàn thành. Hiện tại trong số nhiều hạng mục kiến trúc chủa chùa. đáng lưu ý có hai hạng phục kiến trúc cổ là Tam Quan và gác chuông. Trong số nhiều di vật, chùa có ba pho tượng bằng đồng, trong đó có tượng Quan âm thiên thủ nặng khoảng 200kg. Chùa Thích Ca năm 1997 được Nhà Nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa.


                      Các cháu Đoàn viên thanh niên trong làng ra giúp đỡ công việc nhà chùa
     
Sự hình thành và phát triển của làng Phương Viên từ trước đến nay là kết quả của một quá trình lâu dài các thế hệ nối tiếp nhau, đoàn kết, hợp lực, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, đã cùng nhau quai đê ngăn lũ, cải tạo đồng ruộng, chống giặc ngoại xâm, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước và giữ nước để tồn tại như hiện nay.
       Người dân Song Phương anh dùng kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ quê hương đất nước, xây dựng nên những di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật, tạo nên những truyền thống đầy tự hào quê hương.