Đình Phương Viên
Song Phương nằm ở phía nam huyện Hoài Đức, cách trung tâm thủ đô Hà Nội 12km, phía tây bắc giáp xã Tiền Yên - Sơn Đồng, phía đông nam giáp xã Lại Yên, An Khánh, An Thượng, Vân Côn. Xã có đường Đại Lộ Thăng Long chạy qua, có truyền thống hiếu học và giàu lòng yêu quê hương đất nước.Khu vực nhà Bia
Xã Song Phương có diện tích đất tự nhiên 553,17 ha, dân số trên 12.400 nhân khẩu. Toàn xã có 6 thôn gồm 4 khu vực dân cư, là một ngôi làng có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa. Các thế hệ nhân dân Song Phương nối tiếp nhau khai phá, cải tạo đất đai lập lên những xóm làng trù phú, đồng ruộng phì nhiêu, tạo ra truyền thống văn hóa của một xã ven sông.
Lãnh đạo Đảng, chính quyền, UBND, MTTQ viếng các anh hùng liệt sĩ
Căn cứ vào các văn bia còn ghi lại tại địa phương có từ thời Lê là xã Hương Bảng thuộc huyện Đan Phương, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đến thời Nguyễn, Hương Bảng thuộc tổng Đắc Sở, huyện Đan Phượng. Thời Pháp thuộc, xã Hương Bảng gồm hai thôn: Phương Bảng và Phương Viên.
Khu nhà Đại Bái - Xây dựng thế kỷ XVI
Là xã có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, trong làng có nhiều dòng họ sống quần cư lâu đời, tạo cho các xóm làng Phương Bảng, Phương Viên những nét văn hóa phong phú của vùng quê với nhiều truyền thống vẻ vang - Làng Hương Bảng xưa kia và Song Phương ngày nay có nhiều di tích lịch sử văn hóa, có những công trình kiến trúc đạt trình độ cao về nghệ thuật. Hình ảnh những đình, quán, chùa cổ kính đã khắc sâu vào tâm khảm những người dân nơi đây, là nơi gắn bó sâu nặng với tổ tiên làng xóm của các thế hệ. Bên cạnh đó, đình chùa còn là nơi gìn giữ những truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương, giáo dục lòng nhân nghĩa, khuyến thiện, trừng ác, cho con người hướng về cuộc sống yên lành. ấm no, tự do, hạnh phúc.
Tam quan của làng - Thế kỷ XVI
Phương Viên là một làng cổ hình thành từ rất lâu, khi nhà Lý rời đô ra thành Đại La và cho đắp đê ngăn lũ. Dân làng Phương Viên đã chuyển về ven đê định cư, có dấu tích cây thị ở Chùa Giữa, 5 cây đa ở sân đình, 2 cây chung gốc là cọ và si ở Quán. cây đa cây cọ ở chùa Thượng. Làng Phương Viên phía Đông giáp An Khánh, Lại Yên, phía Tây giáp xã Vân Côn, sông Đáy, phía Nam giáp An Thượng, phía Bắc giáp Tiền Yên, Sơn Đồng. Làng có 12 cửa họ theo khu vực: xóm Nhất, xóm Giữa, xóm Lý, xóm Đồng, xóm Thượng, xóm Hạ, xóm Ải, xóm Đình. Các dòng họ gồm có: họ Nguyễn gồm có Nguyễn Chí, Nguyễn Đắc, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn, Nguyễn Đình, Nguyễn Bá, Nguyễn Công, Nguyễn Tiến, Nguyễn Tá, Nguyễn Khắc, Nguyễn Long, Nguyễn Quang, Nguyễn Viết. Họ Lê, họ Trần, họ Đỗ, họ Lưu, họ Cao, họ Phạm, họ Trịnh, họ Dương, họ Hoàng, họ Doãn, họ Vũ.
Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng Phương Viên ngày nay vẫn còn gìn giữ được những giá trị của cha ông để lại, trong đó có ba hạng mục kiến trúc nổi bật gồm: Đình Phương Viên, Chùa Phượng Tiên và Chùa Thích Ca.
Đình Phương Viên được xây dựng ở phía Tây của làng, đình được xây dựng ở cạnh khu chợ. Đây là một địa điểm lý tưởng của người xưa vốn quan niệm "nhất cận thị, nhị cận lộ", rất thuận tiện cho người hành hương, tham quan, nghiên cứu. Gần một trung tâm giao lưu kinh tế của vùng đất bãi. đình Phương Viên được nhiều người biết đến.
Một góc đình Phương Viên
Theo các tư liệu cổ còn lưu tại di tích và truyền thuyết của nhân dân dịa phương thì đình Phương Viên thờ thành hoàng làng là vị Thôi Tốc Đại Vương. Cùng với quan niệm cổ truyền "đình chung, quản sở" thì nơi đây còn thờ các nữ tướng của Hai Bà Trưng, đó là các vị: ả Lã Nàng Đê, ả Tú, ả Huyền.
Đoàn viên thanh niên tìm hiểu về lịch sử quê hương
Về sự tích của vị Thôi Tốc Đại Vương, các cụ già trong làng cho biết: đây là một nhân vật lịch sử xuất hiện từ thời thượng cổ, được dân làng thờ theo quan điểm tín ngưỡng là người có công với dân với nước. Vị thần này xuất hiện vào cuối thời Hùng Vương thế kỷ thứ II trước công nguyên. Ông là người đã có công đánh giặc cứu nước, khi mất được dân làng Phương Viên tôn thờ.
Lễ hội truyền thống làng Phương Viên
Mười hai âm lịch tháng hai,
Nhớ về lễ hội Vạn Chài Song Phương.
Hàng năm, cứ vào ngày 12 tháng 2 âm lịch để tỏ lòng tôn kính vị thần thành hoàng làng và các vị có công với nước, với dân, đồng thời phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, phản ánh những tinh hoa văn hóa phong phú của làng. Lễ hội được tổ chức nghiêm trang mang ý nghĩa trọng thể thiết thực, với tinh thần lành mạnh, vui chơi, tiết kiệm; thực hiện đúng quy chế lễ hội của Bộ Văn Hóa - Thông Tin, 5 năm tổ chức trọng thể một lần với đầy đủ nghi thức. Đình Phương Viên được Nhà Nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc Gia năm 1997.
Tam Bảo - Chùa Phượng Tiên
Chùa Phượng Tiên còn có tên gọi là Chùa Giữa theo các văn bia ghi lại, chùa có từ thời Hậu Lê. Trước đây chùa nhìn về hướng Tây, ngày nay chùa nhìn về hướng Nam trông ra ao, giữa ao có một cái gò. Chùa có hai giếng, giếng trước nằm ở trước gò ao, giếng sau nằm ở trước nhà Đại Bái hay còn gọi là giếng Lý. Cả hai giếng đều được người dân rất coi trọng và được gọi là Gương.
Khuôn viên chùa Phượng Tiên
Trong chùa có cây thị cổ thụ hơn nghìn năm tuổi. Chùa còn có quả chuông đời Cảnh Thịnh. Bên cạnh chùa có ngôi đền 3 gian bị địch đốt năm 1947, chỉ còn nhà Đại Bái trông ra trước giếng Lý. Năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ chùa được quân đội sử dụng để máy móc làm lương khô và đánh máy phục vụ kháng chiến.
Chùa Thích Ca còn có tên nôm là chùa Thượng, chùa được xây dựng từ rất lâu đời để thờ Phật theo phái tiểu thừa. Về sau, khoảng thời Hậu Lê - thế kỷ XVI mà hiện diện là gác chuông hai tầng tám mái còn giữ được cho đến ngày nay, thì quy mô ngôi chùa đã lớn hơn. Đó cũng là lúc Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh ở Việt Nam. Dân làng Phương Viên đã bài trí trong ngôi chùa "Thích Ca Tự" của mình nhiều lớp tượng. Đến thế kỷ XVIII, chùa được đúc một số tượng đồng, chuông đồng với niên hiệu Cảnh Thịnh ngũ niên - di vật quý hiếm của văn hóa Tây Sơn còn được bảo lưu nguyên vẹn ở đây.
Gác chuông chùa Thích Ca Tự -thế kỷ XVI
Vào chùa, qua hệ thống sân lát gạch là tới chùa chính. Sau vụ tàn phá khốc liệt năm 1947 của giặc Pháp, chùa đã được dân làng đứng ra tu bổ lại. Gác chuông được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tứ thiết với hệ thống 4 cột cái, 12 cột quân còn đủ 8 đầu đao cong vút, trên các mái lợp ngói ri cổ.
Lên gác chuông, trên hệ thống câu đầu nối các cột cái với nhau là hệ thống chồng rường. Trên các con rường thứ nhất của câu đầu có một thanh xà bằng gỗ lim nối từ vì nóc bên này sang vì nóc bên kia để cheo chuông.
Một di vật quý hiếm là quả chuông đồng cao 1,20m cả cù lao có đường kính 0,61m; 4 núm, 4 chữ Hán đúc nổi: "Thích Ca Tự Chung", chuông chùa thích ca, với niên đại: "Hoàng Triều Cảnh Thịnh vạn vạn niên chi ngũ tuế đinh tỵ thập nhị cát nhật". Đây là một quả chuông được đúc vào năm Cảnh Thịnh ngũ niên tức năm 1797. Di vật văn hóa Tây Sơn này được bảo lưu nguyên vẹn. Chiều chiều tiếng chuông thánh thót vang ngân làm tăng thêm vẻ đẹp huyền bí và thanh bình của chùa Thích Ca và miền quê Phương Viên ở miền Sông Đáy.
Năm 2006 chùa được Bộ văn hóa - thông tin cho phép tu sửa đến tháng 3 năm 2008 thì hoàn thành. Hiện tại trong số nhiều hạng mục kiến trúc chủa chùa. đáng lưu ý có hai hạng phục kiến trúc cổ là Tam Quan và gác chuông. Trong số nhiều di vật, chùa có ba pho tượng bằng đồng, trong đó có tượng Quan âm thiên thủ nặng khoảng 200kg. Chùa Thích Ca năm 1997 được Nhà Nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Sự hình thành và phát triển của làng Phương Viên từ trước đến nay là kết quả của một quá trình lâu dài các thế hệ nối tiếp nhau, đoàn kết, hợp lực, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, đã cùng nhau quai đê ngăn lũ, cải tạo đồng ruộng, chống giặc ngoại xâm, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước và giữ nước để tồn tại như hiện nay.
Người dân Song Phương anh dùng kiên cường trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần bảo vệ quê hương đất nước, xây dựng nên những di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật, tạo nên những truyền thống đầy tự hào quê hương.
Đẹp tuyệt!
Trả lờiXóa